Thứ năm, ngày 03 tháng 10 năm 2024
Cập nhật lúc: 18/11/2023

Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Ngày 18/10/2023 tại Hội trường Huyện ủy - HĐND - UBND, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 huyện Lắk. Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Ngọc Tuyên - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đại diện lãnh đạo Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, HĐND huyệnn đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của huyện, các xã, thị trấn. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Nay Y Phú - Chủ tịch UBND huyện và Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện. 

2.1

Huyện Lắk là huyện còn khó khăn, kinh tế hầu hết dựa vào nông nghiệp. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 125.604 ha, có địa giới hành chính 10 xã và 01 thị trấn, có 23 dân tộc anh em sinh sống, có 109 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó: Có 76 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, có 26 thôn và 07 tổ dân phố, dân số toàn huyện có 19.284 hộ với 78.254 khẩu; trong đó: Người dân tộc thiểu số là 12.338 hộ, với 44.177 khẩu, chiếm tỷ lệ 56,45%; hộ nghèo cuối năm 2022 có: 4.868 hộ với 21.429 khẩu, tỷ lệ chiếm 25,24%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 82,78%; hộ cận nghèo 3.512 hộ với 14.190 khẩu, tỷ lệ chiếm 18,21%, trong đó tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 79,66%; hiện nay có 09 xã thuộc khu vực III và 04 buôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực II giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.

          Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt khá; kết cấu hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư phát triển, các thôn, buôn, tổ dân phố có điện sinh hoạt; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm bợ, nay đã xây dựng nhà mới kiên cố, khang trang, tỷ lệ hộ nghèo từng năm giảm, công tác giáo dục dạy và học, khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao; các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đô thị văn minh; mạng lưới thông tin truyền thanh, truyền hình, thông tin liên lạc đảm bảo; người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, đời sống được nâng lên, nhiều hộ gia đình điển hình sản xuất giỏi; hệ thống đường giao thông nông thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa giao thương thuận lợi, số lượng con em theo học trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng; đội ngũ cán bộ công chức công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước được bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương.

          Tổng giá trị sản xuất qua các năm đều tăng trưởng khá; tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm giảm dần; tỷ lệ hộ đói cơ bản không còn; 100% số xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dùng điện đạt hơn 97% (năm 2022); lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông nghe nhìn tuyền thanh, truyền hình, mạng Internet... hoàn toàn được phủ sóng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới đạt 78%; Vẫn còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; định canh định cư dự án còn kéo dài chưa giải quyết như buôn Đắk Sar xã Đắk Nuê, tình trạng dân di cư tự do vẫn có nguy cơ diễn ra; Mức sống bình quân của người dân còn ở mức trung bình, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các thành thị và nông thôn còn cao; tình trạng ở nhà tạm, nhà dột nát tại khu vực nông thôn vẫn còn chiếm tỷ lệ hơn 16%.

          Bên cạnh đó, công tác nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện trong 03 năm qua luôn được quan tâm thực hiện. Số trường học, lớp học ở các cấp đều được đầu tư xây dựng và kiên cố hóa, không ngừng tăng lên qua các năm; tỷ lệ học sinh các cấp đến trường hàng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra; đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao về chuyên môn nghề nghiệp, tăng về số lượng giào viên dạy học đảm bảo chất lượng; có 11/11 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập tiểu học, đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở; Hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư phát triển, có 11/11 xã, thị trấn có mạng internet đáp ứng được nhu cầu học tập và giải trí của người dân, tỷ lệ xã được phủ sóng truyền hình đạt 98%, có 100% hộ dân được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; 11/11 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, không còn bệnh nhân mắc sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét; các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát triển (dệt thổ cẩm, làm đồ gốm, cồng chiêng…), có 100/109 thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 91,74% , có 96/109  thôn, buôn tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chiếm tỷ lệ 88,07%, các xã đạt từ 08 -15/19  tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

          Giá trị sản xuất, kinh doanh toàn huyện năm 2020 có 2.359,5 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 2.709 tỷ đồng, tăng 349,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 114,81 % giá trị sản xuất toàn huyện so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 29 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2022 là: 32,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 111,37% so với năm 2020.

          Các chỉ tiêu về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đều năm sau cao hơn năm trước. Tổng diện tích các loại cây trồng thực hiện năm 2020 có 28.259 ha đến năm 2022 tăng lên 29.044 ha; tổng sản lượng lương thực năm 2020 có 115.526 tấn đến năm 2022 có:115.633 tấn, bình quân lương thực đầu người đến năm 2022 là 1.600 kg/người/năm. Tổng đàn trâu, bò năm 2020 có 22.498 con đến năm 2022 là 24.011 con, tăng 1.513 con; đàn heo năm 2020 có 34.650 con đến năm 2022  là 45.000 con, tăng 10.350 con; đàn gia cầm năm 2020 có 642.340 con đến năm 2022 là 702.360 con, tăng 60.020 con, chiếm tỷ lệ 109,34% so với năm 2020. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2023 diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 750ha. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong năm 2022 ước đạt khoảng 2.400 tấn, trong đó: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 620 tấn, sản lượng đánh bắt ngoài tự nhiên ước đạt 1.780 tấn. Tổ chức quản lý và bảo vệ rừng, đất rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn huyện ước đạt đến năm 2021- 2023 là 98.661,61 ha.

2.2

Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của huyện, khuyến khích hộ nghèo vươn lên “Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các địa phương, các hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh và huy động thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Tăng cường lồng ghép giữa các nguồn vốn đầu tư trên cùng địa bàn, đối tượng. Huy động nguồn vốn từ “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh, của huyện thông qua việc kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện thông qua các phong trào, cuộc vận động “Tháng hành động vì người nghèo”; ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” của tỉnh và của huyện… Huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.

          Cũng trong dịp này, Ban tổ chức đã trao giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho 10 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững huyệ Lắk giữa kỳ giai đoạn 2021-2025./.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ